Cần thực hiện tốt khai sinh cho trẻ

Được đăng ký khai sinh là một trong những quyền quan trọng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp trẻ chưa được đăng ký khai sinh do người dân còn thờ ơ.

Được đăng ký khai sinh là một trong những quyền quan trọng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp trẻ chưa được đăng ký khai sinh do người dân còn thờ ơ.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Quyền được đăng ký khai sinh là cơ sở để thực hiện các quyền cơ bản khác của trẻ, như: quyền có họ tên, quốc tịch, quyền được biết cha mẹ mình là ai… Tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định rõ: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em”. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan mà nhiều người dân sau khi sinh con vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm túc quyền khai sinh cho trẻ.

 

Được đăng ký khai sinh là một trong những quyền cơ bản của trẻ.

Theo kết quả rà soát sơ bộ tại 10 xã thí điểm dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ ở huyện Long Mỹ và Châu Thành A, hơn 130 trường hợp trẻ em chưa được thực hiện quyền đăng ký khai sinh. Cháu Trần Thị Thúy Hằng, ở ấp Xáng Mới C, thị trấn Rạch Ròi, huyện Châu Thành A là một trong số nhiều trẻ chưa được đăng ký khai sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Sau khi sinh, cha, mẹ đi làm ăn xa nên để cháu lại cho ông bà ngoại nuôi. Đến nay, dù cháu Hằng đã hơn 1 tuổi, nhưng gia đình vẫn chưa làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu. Ông Phan Văn Ri, ông ngoại của cháu Hằng, cho biết: “Địa phương có nhắc nhở, nhưng do bận công việc làm ăn, với lại tôi thấy cháu còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học nên nghĩ chưa cần sử dụng đến giấy khai sinh, nên chưa đăng ký”.

 

Trẻ chưa được đăng ký khai sinh còn do các nguyên nhân khác, như: cha mẹ chưa đăng ký kết hôn hoặc cha mẹ đã đăng ký kết hôn, đã sống chung với nhau, nhưng người mẹ chưa nhập hộ khẩu về nơi đăng ký thường trú… Nếu trẻ được sinh ra trong những trường hợp trên, đều có những quy định hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ để đăng ký khai sinh cho trẻ. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây vẫn do ý thức người dân còn hạn chế nên tình trạng trẻ không có giấy khai sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại. Trường hợp cháu Đặng Văn Lý, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, đã hơn 4 tuổi, nhưng chưa được gia đình đi đăng ký khai sinh với lý do cha mẹ chưa đăng ký giấy kết hôn, mẹ chưa nhập hộ khẩu tại địa phương. Anh Đặng Văn Chánh, cha của cháu Lý, cho biết: “Địa phương có hướng dẫn thủ tục để đăng ký khai sinh cho cháu, nhưng vợ chồng tôi muốn đợi đăng ký kết hôn rồi mới đăng ký khai sinh cho cháu”.

 

Ông Lê Văn Cao, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Việc người dân còn thờ ơ việc đăng ký khai sinh cho trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của các cháu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đăng ký khai sinh cho trẻ. Đây không chỉ là quyền của trẻ, mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình”.

 

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

(--- Báo Hậu Giang ---)