Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ để hoạt động này trong thời gian tới tiếp tục được đổi mới và đạt hiệu quả cao hơn.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện mục tiêu chuyển cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 3 năm, từ 2010 đến 2011, các cơ sở, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề nông nghiệp cho hơn 9.500 lao động, phi nông nghiệp cho hơn 9.700 lao động, với 22 ngành nghề, như: đan đát, chăn nuôi, trồng trọt... Số lao động nông thôn sau khi học nghề được hỗ trợ vay vốn tổ chức sản xuất hơn 2.600 lao động. Số lao động tham gia học nghề có việc làm, tăng thu nhập thoát nghèo hơn 2.500 lao động. Số lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp hơn 8.000 lao động…

 

Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định.


Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện dưới nhiều hình thức: dạy tập trung tại các cơ sở dạy nghề, dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn; dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh theo hợp đồng đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Nhìn chung, thông qua hoạt động đào tạo nghề, nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn đã được trang bị nghề mới, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm tăng năng suất và hiệu quả lao động. Mặt khác, qua đào tạo nghề, nhiều lao động đã làm chủ kỹ thuật, tự chủ được tay nghề và quan trọng hơn là có trong tay một cái nghề có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Từ đó, góp phần vào công cuộc an sinh xã hội của tỉnh nhà”.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta trong những năm qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục để công tác này được nâng cao hơn trong thời gian tới. Đó là sự quan tâm chưa chặt chẽ trong công tác điều tra, đánh giá thực trạng tình hình lao động ở nông thôn các địa phương; các ngành chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch cũng như nhu cầu sử dụng lao động, chưa định hướng được nghề cần phát triển tại địa phương nên công tác đào tạo nghề chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Theo phản ánh của một số địa phương, việc triển khai chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 chậm ngoài lý do một bộ phận người dân không mấy mặn mà, còn có nguyên nhân từ cơ chế thực hiện, kinh phí cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề chưa có nên một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Do nhận thức của người dân chưa cao nên dễ sinh ra tâm lý chán nản khi theo học nghề. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm sau học nghề còn khó khăn và giá cả không ổn định cũng khiến nhiều lao động băn khoăn khi đăng ký học nghề. Những điều này dẫn đến tình trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập”.

 

Mặt khác, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn mang tính hình thức còn chạy theo thành tích mà thiếu tính thực chất, không có chiều sâu hoặc tay nghề của học viên sau khi học nghề chưa đảm bảo để tạo ra thu nhập cải thiện cuộc sống. Bà Trần Thị Châu, ngụ khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trước đây, tôi có học nghề đan dây cói. Sau khi học xong, tôi nhận nguyên liệu về làm, nhưng chỉ được một đợt người ta không còn thu mua, nên tôi không làm nữa”.

 

Theo kế hoạch, năm 2013 toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 8.000 lao động nông thôn với tổng kinh phí dự kiến thực hiện hơn 12 tỉ đồng.  Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 tỉ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương. Có thể nói, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay rất lớn, nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào hoạt động đào tạo nghề cũng không nhỏ, nên việc kết nối, phối hợp, cộng đồng trách nhiệm của các ngành, các cấp các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo là vô cùng cần thiết và nhất định phải có sự quan tâm đúng mức. Vì thế, đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. 

 

Ông Nguyễn Văn Nay, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2013 và các năm tiếp theo, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn sẽ được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức phù hợp với tâm lý, thói quen của người dân nông thôn. Thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề và chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương…

 

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

(--- Báo Hậu Giang ---)