Hiệu quả từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Chăm lo cho các gia đình chính sách vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta,

Chăm lo cho các gia đình chính sách vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, thể hiện sự tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì sự bình yên cho cuộc sống hôm nay. Vì vậy, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, huyện Châu Thành A đã và đang làm ấm lòng các gia đình chính sách.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Được cán bộ thương binh xã hội xã Trường Long Tây giới thiệu, tôi đến nhà ông Nguyễn Hoàng Ba, thương binh hạng 4/4, ấp Trường Phước A, thật sự ngỡ ngàng bởi xã vùng sâu này đã “thay da đổi thịt”. Nơi đây, hầu như không còn nhà tre lá tạm bợ, hàng rào, cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp. Xe chạy bon bon trên tuyến lộ mới mở rộng theo chuẩn xã nông thôn mới, đến nhà ông Nguyễn Hoàng Ba, đúng lúc ông đang trang trí lại hàng rào, trồng thêm cây xanh. Gặp tôi, ông tay bắt, mặt mừng, thể hiện sự hiếu khách của người dân <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam bộ. Ông mời tôi vào nhà, khi trò chuyện, ông cho biết: “Mình sống ở ấp văn hóa thì phải thể hiện văn hóa, rồi cùng với chính quyền địa phương tiến lên xây dựng xã nông thôn mới. Căn nhà tường khang trang này vừa được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi tích cóp được một ít thêm vào mới xây xong cách nay vài tháng”.

 

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tặng quà cho gia đình chính sách.


Năm 2012, huyện Châu Thành A xây dựng 13 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 23 căn. Nếu tính từ năm 2004 đến nay, đã xây mới 449 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 41 căn, với tổng kinh phí hơn 10.529 triệu đồng. Chú Huỳnh Văn Mười, ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Từ khi nghỉ hưu cho đến nay, tôi được 3 lần cất nhà tình nghĩa”. Nghe hơi là lạ, tôi hỏi kỹ lại mới biết, trước đây chú được cất 1 căn nhà tình nghĩa theo quy cách mái tôn, cột gỗ, sau đó xây dựng lại kiên cố và mới đây được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa lại. Chú Mười phấn khởi cho biết thêm: “Bây giờ tiến bộ lắm, hàng tháng lãnh tiền hưu trí, cán bộ đem tới nhà, không phải mất công lội lên, lội xuống xã như trước”.

 

Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách là việc làm thường xuyên, liên tục của huyện Châu Thành A. Hàng năm, huyện chỉ đạo tổ chức rà soát thực trạng đời sống, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và nắm bắt những khó khăn mà các gia đình chính sách gặp phải để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ, giúp đỡ… Điển hình như ông Huỳnh Công Lành, thương binh hạng 1/4, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, từ nghèo khó, được sự giúp đỡ của nhà nước về vốn, nhà cửa, bản thân nỗ lực vươn lên, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Được biết, trước đây ông làm công việc đưa đò ngang, sau đó mở tiệm thu mua và sơ chế nấm rơm, rồi hiện nay làm nghề cưa xẻ gỗ. “Được vay vốn làm ăn, rồi nhà nước hỗ trợ cất nhà, mình cố gắng làm ăn. Bây giờ thu nhập 200 triệu đồng/năm là chuyện không quá khó”, ông Lành khẳng định như vậy.

 

Huyện Châu Thành A có hơn 1.000 hộ gia đình chính sách, trong đó trên 98% có mức số trung bình trở lên. Toàn huyện có 60 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 4 mẹ còn sống, được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng đi vào nề nếp và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cuộc vận động xây dựng “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa” được xã hội hóa với nhiều việc làm ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Mỗi năm có hàng trăm triệu đồng từ nguồn quỹ này được trích ra để chăm lo người có công.

 

Do được quan tâm chăm sóc chu đáo, nên các gia đình chính sách phấn khởi, gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”. “Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng kịp thời, vào các dịp lễ, tết, chúng tôi đều có những hình thức chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần, như tổ chức các đoàn thăm viếng, tặng quà và tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho những gia đình chính sách. Ngoài ra, nhiều phong trào được khởi xướng dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mở sổ tiết kiệm giúp gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sản xuất cho thương binh… chúng tôi thực hiện nghiêm túc”, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết.

 

Có thể thấy, thời gian qua, huyện đã có nhiều hoạt động ý nghĩa cho việc “đền ơn đáp nghĩa”, tuy chưa phải đã bù đắp hết được, bởi toàn huyện còn 12 hộ gia đình chính sách nghèo và một số trường hợp chưa được xét diện chính sách… Nhưng với nhiều hoạt động nổi bật thời gian qua, 10/10 xã, thị trấn của huyện Châu Thành A được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Từ sự chăm lo này, các gia đình chính sách vững tin hơn vào Đảng và Nhà nước.

 

Bài, ảnh: HỮU TOÀN

(--- Báo Hậu Giang ---)