Kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu

Trong 2 ngày 28 và 29-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3.

Trong 2 ngày 28 và 29-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp này, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận chuyên đề về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trước khi gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tháng 3 và 3 tháng đầu năm có điểm đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ nhưng chỉ số giá tiêu dùng lại giảm. Cụ thể, GDP trong quý I tăng 4,89%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,39%, thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Bên cạnh các giải pháp về tăng cường quản lý giá, nguồn cung lương thực dồi dào ở ĐBSCL, nguyên nhân CPI giảm được chỉ ra là do tổng cầu giảm trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, áp lực của hàng nhập khẩu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong quý I có 2.300 doanh nghiệp giải thể. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là có gần 7.600 trong số 13.000 doanh nghiệp (khoảng gần 60%) tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã trở lại hoạt động. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước. Ba tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông, nhất là số vụ nghiêm trọng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại quý I/2013, cái được, cái tích cực nổi lên là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, công nghiệp tăng thấp, nông nghiệp khó khăn, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại;… Tăng trưởng có được trong quý I là nhờ vào dịch vụ, xuất khẩu.

 

Kiên trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% như Nghị quyết Quốc hội đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Thủ tướng khẳng định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hai lĩnh vực mà doanh nghiệp cần là đầu ra và vốn. Muốn giải quyết được đầu ra thì phải tăng tổng cầu cho xã hội bằng cách đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xuất khẩu. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công thương đẩy mạnh việc đàm phán Hiệp định thương mại với các đối tác nước ngoài.

 

Liên quan đến việc điều hành giá cả, với việc tăng giá xăng ngày 28-3, Thủ tướng cho rằng, việc tăng như vậy là xuất phát từ thực tế: “Quỹ bình ổn giá đã hết, thâm hụt rồi. Nếu giữ giá thì phải lấy ngân sách ra bù. Do đó chúng ta buộc phải tăng giá mà chưa phải tăng cao, chỉ sao cho phù hợp. Bây giờ chúng ta nhất trí điều hành giá theo thị trường. Các nước xung quanh ta giá xăng đều tăng nên mới có tình trạng buôn lậu qua biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan”.

 

Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh theo dõi vấn đề giá cả bởi vừa qua, việc phối hợp giữa các bộ trong lĩnh vực này chưa tốt, gây phản ứng trong dư luận. Hiện còn 8 tỉnh, thành phố chưa tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có TP.HCM.

 

Liên quan đến vốn cho sản xuất, Thủ tướng hoan nghênh động thái hạ lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp vẫn khó khăn để tiếp cận vốn. Vì vậy, ngân hàng cần làm quyết liệt vấn đề này.  

 

Đối với khoản vay 30.000 tỉ đồng ưu đãi mua nhà ở xã hội mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất, Thủ tướng đề nghị ngân hàng khẩn trương ban hành thông tư để người dân được vay với lãi suất 6%, ổn định trong 10 năm để mua nhà ở chứ không phải để thuê. Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của một số thành viên Chính phủ về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở trên cơ sở quản lý bằng các quy định chặt chẽ, tránh các tiêu cực có thể phát sinh.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, bao gồm, tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; chú trọng chỉ đạo công tác thu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm chi tiêu. Cái gì thật sự cần thiết mới chi, nhất là chi thường xuyên, chi mua sắm, chi đầu tư và đi nước ngoài”.

 

Cũng trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận dự thảo Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam; dự án luật công an nhân dân.  

 

Theo VOV

(--- Báo Hậu Giang ---)