Người lao động cần được bảo vệ

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định về đăng ký, đóng bảo hiểm; chiếm dụng tiền BHXH, BHYT.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định về đăng ký, đóng bảo hiểm; chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong khi đó, hàng tháng các đơn vị vẫn trừ vào lương và tiền công của người lao động.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh có hơn 1.652 doanh nghiệp hoạt động, với trên 200.000 lao động. Trong số này, chỉ có 915 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT và thực tế chỉ có 281 doanh nghiệp tham gia đóng, nộp bảo hiểm thường xuyên, số còn lại chỉ có đăng ký cho có rồi trốn trách nhiệm, không tham gia bảo hiểm cho người lao động. Năm 2012, đơn vị thu từ 3 nguồn BHXH, BHYT, BHTN chỉ được 536 tỉ đồng. Có 110 doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên 3 tháng, tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Bởi nếu họ bị thất nghiệp hay rủi ro bị tai nạn lao động thì xem như trắng tay, vì đơn vị sử dụng lao động không tham gia loại hình bảo hiểm nào cho mình.

 

Vì sợ mất việc nên không ít lao động không dám lên tiếng đòi chủ doanh nghiệp thực hiện các chế độ BHXH, BHYT đúng luật.

Anh Nguyễn Hoài Thanh, ở khu vực 3, phường 3, thành phố  Vị Thanh, cho biết: “Tôi làm việc cho một công ty xây dựng hơn 2 năm, nhưng không được công ty mua bảo hiểm gì hết, vừa qua, do sự cố giàn giáo nên tôi té từ trên cao xuống bị gãy xương sườn, phải nằm viện, chi phí hơn 45 triệu đồng. Do không được tham gia loại hình bảo hiểm nào, nên mọi chi phí gia đình phải chịu, công ty cũng không hỗ trợ gì. Tôi là lao động chính, giờ như vậy tôi cũng không biết làm sao”.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 lao động bị tai nạn lao động, trong đó có khoảng 170 người không có BHXH, BHYT. Trường hợp Lê Văn Đực, ở khu vực 3, phường 7, thành phố Vị Thanh, làm việc cho một công ty xây dựng cũng vừa bị tai nạn lao động vào cuối năm 2012. Do không được tham gia các loại bảo hiểm nên gia đình phải chịu lo tất cả chi phí, do nhà nghèo nên phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để điều trị.

 

Một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động còn không thực hiện rõ ràng, cụ thể hợp đồng lao động, không xây dựng bảng lương, trợ cấp mất việc cho công nhân, như Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 585, Chi nhánh Hậu Giang.

Ông Đinh Xuân Phương, Phó Giám đốc công ty này, nói: “Hiện nay, công ty đang thi công các công trình ở Hậu Giang với số công nhân hiện tại hơn 80. Để kịp tiến độ các dự án, đầu năm nay, chúng tôi tuyển thêm 20 công nhân lao động phổ thông. Hiện nay, lao động còn thiếu, công ty đang tập trung tuyển thêm, tuy nhiên do công nhân “ra vô như cơm bữa”, nên chúng tôi không biết phải tham gia BHXH như thế nào, giấy tờ, thủ tục, tôi cũng không biết liên hệ với ai”.

 

Với những lý giải trên, vừa qua, đơn vị này bị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả do không tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

 

Thực tế, nếu công nhân được tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì sẽ có nhiều lợi ích. Anh Võ Trung Bình, công nhân Nhà máy đường Vị Thanh, cho biết: “Khoảng năm 2010, tôi bị tai nạn, lúc này đơn vị đã tham gia bảo hiểm cho tôi, và tôi được chi trả hầu hết các chi phí khi nằm viện và thời gian nghỉ dưỡng thương. Từ đó, tôi mới biết quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, hiện nay mặc dù sức khỏe tôi chưa bình phục 100%, nhưng tôi xin trở lại đơn vị tiếp tục làm việc”.

 

Theo quy định, tất cả công ty, doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng trên 10 lao động, với hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Ông Đặng Văn Nở, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho lao động đều hoạt động kinh doanh bình thường, thậm chí có đơn vị hàng tháng đã trừ lương công nhân về các khoản BHXH, BHYT, BHTN rồi chiếm dụng làm việc khác. Do cơ quan BHXH không có thẩm quyền xử lý nên nợ bảo hiểm tiếp tục tăng cao. Một thực tế là tiền phạt chậm nộp bảo hiểm (nói chung) có mức thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, do vậy doanh nghiệp sẵn sàng chiếm để quay vòng kinh doanh và chấp nhận chịu phạt.

 

Kết quả thanh tra năm 2012 của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội… trong khối doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; quyền lợi cơ bản của người lao động còn bị xem nhẹ. Ông Phạm Hồng Vũ, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Trong năm 2013, chúng tôi sẽ chủ trì, thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, trong đó tập trung ở những doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng quy định; riêng đối với các doanh nghiệp nợ đọng có khả năng thanh toán nhưng không thanh toán, mà cố tình chây ỳ, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh để có hướng xử lý nghiêm”.

 

Bài, ảnh: LÊ CƯƠNG

(--- Báo Hậu Giang ---)