Phụ nữ thời đại mới

Từ khi chia tách tỉnh đến nay, lực lượng nữ cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Hậu Giang từng bước lớn mạnh.

Từ khi chia tách tỉnh đến nay, lực lượng nữ cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh Hậu Giang từng bước lớn mạnh. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào, phụ nữ Hậu Giang vẫn hết lòng đóng góp công sức, trí tuệ, tạo nên thành tựu chung cho địa phương. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, xin nêu gương một vài điển hình trong “vườn hoa” của tỉnh nhà.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Nữ kỹ sư không ngại khó

 

Đến vùng đất trồng khóm xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ hay xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh mới nhận thấy sự đổi khác nơi đây. Những liếp khóm bệnh héo khô đầu lá từ lâu đã không còn nữa. Với dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” sạch bệnh ở Hậu Giang”, thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều (Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Hậu Giang) đã đem lại màu xanh trên từng liếp khóm.

 


Bằng biện pháp áp dụng công nghệ cấy mô đỉnh sinh trưởng sạch bệnh, dự án của chị góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Nhớ lại những ngày đầu đến vận động bà con trồng khóm cấy mô sạch bệnh thay cho giống khóm cũ rất khó. Với tài ăn nói của mình, chị đã thuyết phục nhiều bà con cùng tham gia dự án.

 

Ngay cả lúc mang thai, chị vẫn “vác” bụng bầu vừa học nâng cao vừa cùng nông dân chăm lo cây khóm. Cuối cùng, thành công cũng mỉm cười với chị, dự án đã về đích. Người dân trồng khóm giờ đây không còn lo khóm bệnh nữa. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Tiến, Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh) có 25ha khóm sạch bệnh được trồng, ở xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ) là 10ha.

 

Dự án của chị Kiều được Hội đồng KHCN cấp Bộ nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc vào năm 2011.

 

Không dừng lại ở đó, sau những ngày “vượt cạn”, thạc sĩ Kiều “xông” vào thực hiện thêm một dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”. Mục tiêu của dự án nhằm đưa thương hiệu và chất lượng trái khóm Cầu Đúc được nâng cao, ổn định và đạt chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nuôi thả ong ký sinh tập trung để kiểm soát sự phá hại của bọ cánh cứng hại dừa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, chị đã “hồi sức” hơn 5.000 cây dừa bị bọ cánh cứng phá hại. Đề tài đã được Hội đồng KHCN cấp tỉnh đánh giá nghiệm thu đạt loại khá vào năm 2010.

 

Bên cạnh đó, với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp làm giảm ngộ độc hữu cơ để tăng năng suất lúa trên đất phèn và đất phù sa ở Hậu Giang”, chị đã tìm được giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm ngộ độc hữu cơ trên đất phèn và đất hữu cơ trồng lúa 3 vụ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở để định hướng cho vùng chuyên canh lúa có năng suất cao, ổn định…

 

Những đề tài và dự án chị thực hiện không chỉ tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn giúp nhà khoa học và nhà nông gần nhau hơn.

 

 Với những thành tích đó, tháng 11-2012, chị vinh dự được Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hà trao bằng khen trong Chương trình Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong phong trào thi đua yêu nước năm 2011.

 

Cán bộ Hội đam mê công việc

 

Nếu như chừng 10 năm trước, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa An vận động chị em ấp Hòa Đức chăn nuôi, trồng trọt rất khó, thì nay đã có gần 100 gia đình phụ nữ trên toàn ấp có mô hình nuôi heo, nuôi cá, trồng rau. Vùng đất nghèo dinh dưỡng nay đã khuất phục trước ý chí của bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

 


Nhiều lần thất bại trong chăn nuôi là nguyên nhân bà Thanh tìm đến tổ chức Hội. Với mục tiêu được tiếp cận khoa học, kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, dự án trong hoạt động Hội để tìm cách trị căn bệnh “mãi nghèo”. Tham gia nhiều lớp học, bà mới nhận ra rằng: Lâu nay, mình và các chị em mãi nghèo là do không biết kỹ thuật, kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt. Những kỹ thuật đơn giản như xử lý nước trước khi cho vật nuôi uống hay vệ sinh chuồng trại đúng cách, giữ gìn môi trường hợp vệ sinh là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Đem về áp dụng tại gia đình, bà nhận thấy hiệu quả rõ rệt.

 

Thấy bà Thanh làm được, nhiều chị em trong xã hưởng ứng. Vậy là bà có dịp tập hợp chị em, hướng dẫn lắng phèn nước trước khi cho vật nuôi uống, vì nếu không lượng phèn cao làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa; rồi hướng dẫn cách xử lý phân, chất thải… Thấy bổ ích, nhiều chị rủ nhau vào Hội để được “đi học”. Vùng đất phèn ở ấp Hòa Đức, ấp Xẻo Trâm phần nào được cải tạo; nhiều chị em chăn nuôi, phát triển mô hình vườn, ao, chuồng rất phong phú. Cũng nhờ tham gia Hội phụ nữ, đến nay hơn 200 hội viên phụ nữ xã Hòa An đã thay đổi nhận thức, biết cách chăm sóc con cái, sắp xếp công việc gia đình hợp lý, và nhất là đã phát triển được nhiều mô hình kinh tế.

 

Ở tuổi 54, dù biết công tác Hội có những vất vả, công việc đa đoan, giờ giấc lại thất thường, thời gian dành cho gia đình thường rất ít... nhưng bà Thanh vẫn hăng hái, nhiệt huyết với công việc.

 

Giờ đây, những lúc công việc cần phải đi xa, chị em nào cần đến là bà không ngần ngại đạp xe đạp hay thuê xe ôm đến tận nhà để chia sẻ, giúp đỡ. Tất cả chỉ vì một niềm đam mê.

 

Người phụ nữ có 20 bà mẹ

 

20 bà mẹ đó chính là những cụ già neo đơn ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, được bà Lê Kim Tuyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã chăm sóc như người thân trong gia đình. Giúp đỡ người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật là sở thích của bà. Hàng tháng, bà đến tận nhà chia sẻ cho các cụ những bịch gạo, ít tiền để các cụ có bữa cơm no. Bà dành trọn phần tiền lương của mình để mua thuốc men, hỗ trợ các cụ lúc ốm đau. Có năm, do số lượng người già neo đơn nhiều, tiền lương không đủ chi nên bà quyết định nhận bán bảo hiểm y tế tự nguyện để lấy tiền hoa hồng làm việc thiện.

 

Ngoài ra, với lợi thế quen biết rộng, ăn nói thuyết phục, bà còn vận động được nhiều mạnh thường quân trong và ngoài địa phương cùng nhau làm việc thiện, trợ cấp hàng tháng cho các cụ neo đơn 5kg và 100.000đ/người. Đáng kể, năm 2012 bà đã vận động Tịnh thất Ngọc An, TP.Cần Thơ xây được 2 căn nhà (trị giá 15-20 triệu đồng) cho cụ Nguyễn Thị Ky, ấp Tầm Vu I và bà Thạch Thị Kim Hồng, hộ nghèo của xã.

 

Sư cô Thích nữ An Liên, Tịnh thất Ngọc An, TP.Cần Thơ cho biết: Nhìn thấy lòng thiện tâm của thí chủ Kim Tuyến mà hàng năm Tịnh thất an tâm giao nhiều quà cũng như tiền để cô ấy làm việc thiện. Hy vọng cứu khổ cho nhiều bà con nghèo, tích đức cho mai sau.

 

Ngoài ra, để giúp đỡ người nghèo được nhiều hơn, bà còn vận động cộng đồng cùng tham gia làm từ thiện, vận động tiền làm cầu, xây nhà, tặng quà, tập… Điển hình đã vận động bà Trần Bạch Tuyến và gia đình  góp 100 triệu đồng để xây cầu. Qua gần 20 năm công tác, bà Lê Kim Tuyến đã vận động xây mới hơn chục cây cầu lớn nhỏ, gần 100 cây nước sạch cho hộ nghèo…

 

Năm nay, UBND xã Thạnh Hòa giao cho bà giúp đỡ thêm 10 cụ nữa. Vậy là bà Tuyến có thêm nhiều mẹ để chăm sóc…

 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thúy Trinh đánh giá: Thời gian qua, phong trào phụ nữ tỉnh nhà và sự đóng góp của chị em đã góp nên thành tích không nhỏ cho địa phương. Trong thời đại hiện nay, có thể nói chị em phụ nữ có vai trò không thua kém gì nam giới. Tất cả đều tham gia đóng góp thành tích trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học… Các chị góp nhiều đề tài nghiên cứu khoa học làm lợi cho địa phương. Ngoài ra, các chị còn thể hiện tốt vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình, phân công công việc hợp lý, tổ chức tốt cuộc sống gia đình góp phần xây dựng một tế bào tốt cho xã hội. Đó cũng chính là hình tượng người phụ nữ hiện đại Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

(--- Báo Hậu Giang ---)