Tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo

Là đơn vị hành chính được chia tách từ năm 2007, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã và đang có những giải pháp đầu tư, hỗ trợ để từng bước đưa đời sống người dân nơi đây ngày một đi lên.

Là đơn vị hành chính được chia tách từ năm 2007, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã và đang có những giải pháp đầu tư, hỗ trợ để từng bước đưa đời sống người dân nơi đây ngày một đi lên.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Xác định giảm nghèo là một trong những tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên từ khi thành lập cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể xã Thạnh Xuân quan tâm đẩy mạnh. Bên cạnh huy động mọi nguồn lực xã hội để giúp đỡ về vốn, phương tiện sản xuất, việc làm, nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội và mở rộng các phương diện tiếp cận để các đối tượng khó khăn có điều kiện nhận được sự trợ sức. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân Nguyễn Tấn Phước cho biết: “Đánh giá đúng thực trạng, đề xuất một hệ thống chính sách phù hợp và hiệu quả, giải quyết tốt nhu cầu và tạo động lực để người nghèo tự vươn lên là một trong những cách giảm nghèo của địa phương trong thời gian qua”.

 

Mô hình trồng màu giúp gia đình anh Mộng có thu nhập ổn định.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012, toàn xã Thạnh Xuân có 90 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 3,32%. Hầu hết nguồn lực hỗ trợ người dân địa phương thoát nghèo chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay này, người dân đầu tư sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Trong năm 2012, toàn xã có 18 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền trên 70 triệu đồng; đào tạo nghề cho hơn 100 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 460 lao động.

 

Anh Dương Hoàng Mộng, ở ấp So Đũa Bé, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Nhà tôi có 1 công đất ruộng, trước đây trồng lúa không đủ ăn, vợ chồng phải làm thuê, làm mướn thêm nhiều nghề. Năm 2011, được địa phương cho vay 5 triệu đồng, tôi đầu tư mua khoai từ, khoai ngọt về trồng. Vụ vừa rồi bán được 7.000 đồng/kg, gia đình thu về gần 20 triệu đồng”. Ngoài ra, anh Mộng còn đầu tư làm giàn để trồng thêm dưa leo, đậu cô ve, bí đao… thu nhập gần 10 triệu đồng/năm. Anh Mộng còn làm thêm nghề đặt trúm, cắm câu… để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. 

 

Tuy chưa đủ tiền cất được nhà khang trang, nhưng điều kiện kinh tế gia đình của anh Mộng tương đối ổn định, mua sắm được đầy đủ phương tiện nghe nhìn, có điện thắp sáng, nước sạch sử dụng. Chị Nguyễn Thu Cẩm, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Thạnh Xuân, cho biết: “Anh Mộng có tinh thần vươn lên rất cao, chỉ với 1 công đất ruộng, nhưng anh đã tạo cho mình một mô hình phát triển kinh tế phù hợp, có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn là một trong những hộ dân tiêu biểu mạnh dạn đăng ký thoát nghèo mà không cần đợi địa phương bình xét”.

 

Nhiều lao động tại địa phương sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cũng tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Hùng, cha chồng của chị Phạm Thị Phận, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Năm trước, con dâu tôi tham gia lớp may mặc tại địa phương, giờ nó đi may cho Công ty May mặc Giáp Quán Thân ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, mỗi tháng kiếm được từ 2-3 triệu đồng. Chồng nó thì đi làm phụ hồ cho mấy công trình xây dựng, nên thu nhập gia đình cũng ổn định. Nhìn chung cuộc sống vợ chồng nó đã khấm khá hơn trước rất nhiều”.

 

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, sự tự lực vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền để người dân không trông chờ, ỷ lại mà phải có ý thức thoát nghèo.

 

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

(--- Báo Hậu Giang ---)